Kẹt xe sau kỳ nghỉ lễ: Làm sao để hành trình trở lại thành phố bớt mệt mỏi?

Trang Trang
Thứ bảy, 03/05/2025 11:35 AM (GMT+7)
A A+

Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố lại tái diễn, gây không ít phiền toái. Để hành trình trở về thuận lợi hơn, người lái xe cần chuẩn bị kỹ lưỡng và giữ tâm lý vững vàng.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang dần khép lại. Khi niềm vui nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè vừa tạm lắng xuống cũng là lúc hàng triệu người bắt đầu chuẩn bị quay về thành phố để tiếp tục guồng quay công việc thường nhật. 

Tuy nhiên, đối với những ai di chuyển bằng ô tô cá nhân, hành trình trở lại này lại không mấy dễ chịu, khi tình trạng tắc đường, kẹt xe nhiều giờ liền tại các cửa ngõ luôn là nỗi ám ảnh quen thuộc.

Trong bối cảnh đó, việc lên kế hoạch di chuyển thông minh sẽ giúp bạn tránh được phần nào áp lực giao thông, tiết kiệm thời gian và bảo toàn sự an toàn cho cả gia đình.

Cân nhắc kỹ thời điểm khởi hành

Tâm lý phổ biến của nhiều người là cố gắng tận hưởng trọn vẹn từng giờ của kỳ nghỉ. Vì vậy, phần lớn các gia đình đều chọn quay lại thành phố vào chiều tối ngày nghỉ cuối cùng.

lam-chu-cung-duong-xa-voi-nhung (1)

Đây chính là lúc lưu lượng phương tiện đổ về thành phố tăng vọt, dẫn tới cảnh kẹt xe nghiêm trọng tại các tuyến đường cửa ngõ như quốc lộ 1A, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hay quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Để tránh rơi vào khung giờ cao điểm, bạn nên tính toán lại lịch trình và có thể chọn thời điểm xuất phát sớm hơn vào sáng hoặc tối muộn ngày nghỉ cuối. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, nhưng đổi lại, bạn sẽ có một hành trình dễ chịu và an toàn hơn rất nhiều.

Lựa chọn lộ trình linh hoạt, cập nhật tình hình giao thông thường xuyên

Không nhất thiết phải bám sát các trục đường chính, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc đi theo các tuyến đường nhánh, đường vòng nếu nhận thấy lộ trình chính đang bị ùn tắc. 

Hiện nay, các ứng dụng dẫn đường như Google Maps, Apple Maps hay các hệ thống cảnh báo giao thông trên radio có thể cung cấp thông tin cập nhật liên tục, giúp bạn chủ động chuyển hướng khi cần thiết.

ung-dung-dieu-huong-here-1183-84

Ngoài ra, nếu có người đi cùng, hãy nhờ họ đảm nhiệm việc theo dõi tình trạng giao thông để bạn yên tâm tập trung lái xe, tránh bị xao nhãng.

Kiểm tra kỹ phương tiện trước khi lên đường

Một điều dễ bị bỏ qua sau kỳ nghỉ là kiểm tra lại tình trạng xe trước hành trình trở lại. Tắc đường kéo dài không chỉ gây mệt mỏi cho người lái, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của xe. Trong điều kiện nắng nóng, xe có thể bị quá nhiệt, chết máy hoặc hết nhiên liệu khi đang kẹt giữa dòng phương tiện.

Hãy dành thời gian kiểm tra các bộ phận quan trọng như lốp xe, phanh, ắc quy, nước làm mát, dầu động cơ, nước rửa kính và đèn chiếu sáng.

lam-chu-cung-duong-xa-voi-nhung

Với xe điện, đảm bảo pin đã được sạc đầy trước khi rời đi là điều bắt buộc. Đừng quên đổ đầy bình xăng với xe sử dụng động cơ đốt trong, nhất là khi bạn chưa rõ tình trạng giao thông trên đoạn đường sắp tới.

Giữ khoảng cách và lái xe bình tĩnh

Trong cảnh ùn tắc, nhiều người thường mất kiên nhẫn, dẫn đến việc bám quá sát xe phía trước hoặc liên tục đạp phanh, ga gấp.Thực tế, việc giữ khoảng cách hợp lý không chỉ giúp bạn có đủ thời gian xử lý tình huống bất ngờ mà còn tránh được va chạm dây chuyền – điều rất dễ xảy ra khi di chuyển chậm.

Ngược lại, việc cố "nhích lên từng chút" rồi bất ngờ phanh gấp lại là nguyên nhân gây căng thẳng cho những xe phía sau và dễ tạo nên va chạm không đáng có. Thay vì vội vã, hãy giữ đều tốc độ, sử dụng phanh nhẹ nhàng và duy trì sự kiên nhẫn.

Không lấn làn, không "điền vào chỗ trống"

Tình trạng ô tô lấn sang làn xe máy, hay cố chèn vào làn khẩn cấp là hình ảnh không lạ vào mỗi dịp lễ. Thế nhưng hành vi này không giúp bạn đi nhanh hơn, mà trái lại chỉ khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn, làm gián đoạn luồng phương tiện và tiềm ẩn nguy cơ va chạm.

csgt-dieu-tiet-84010

Các chuyên gia giao thông luôn nhấn mạnh rằng, trong điều kiện tắc đường, người lái cần tuyệt đối tuân thủ làn đường quy định, chỉ chuyển làn khi thực sự cần thiết và tuân theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông. Việc giữ đúng làn không chỉ thể hiện ý thức văn minh mà còn giúp hệ thống phân luồng hoạt động hiệu quả, đưa mọi người sớm thoát khỏi cảnh chen chúc.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là giữ cho bản thân một tâm trạng bình tĩnh, thoải mái khi lái xe. Dù có kẹt xe, nóng bức hay mệt mỏi, sự mất kiểm soát về tâm lý sẽ chỉ khiến chuyến đi thêm phần căng thẳng. Một cái lắc đầu, một tiếng còi thúc giục hay lời nói khó nghe từ các tài xế khác là điều khó tránh, nhưng đừng để những điều đó chi phối bạn.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm