Chiếc tàu Vịnh Xanh 58 chở 49 người đã bị lật úp giữa vùng biển Hạ Long chỉ sau hơn 30 phút rời bến. Cơn giông bất ngờ không chỉ cướp đi sinh mạng của 36 người, mà còn cho thấy những bất cập trong quy trình giám sát, cảnh báo thời tiết và cơ chế phản ứng cứu hộ của hệ thống an toàn đường thủy nội địa.
Nội dung chính
Tàu du lịch Vịnh Xanh 58 rời bến cảng Bãi Cháy, Quảng Ninh lúc 12h55 ngày 19/7, chở theo 46 hành khách và 3 thuyền viên. Hành trình tham quan diễn ra trong điều kiện thời tiết ban đầu được dự báo là tốt.
Tuy nhiên, đến khoảng 13h30, khi tàu gần khu vực hang Đầu Gỗ, một cơn giông mạnh bất ngờ ập đến khiến tàu bị xô lật úp. Tất cả người trên tàu bị hất xuống biển.
Tín hiệu GPS của tàu bị ngắt vào lúc 14h05, dấu mốc cuối cùng cho thấy vị trí con tàu cách bến Tuần Châu hơn 1km và cách đất liền khoảng 3km.
Phải đến 15h30, tức gần hai tiếng sau khi tàu gặp nạn, lực lượng chức năng mới tiếp nhận thông tin đầu tiên và điều động cứu hộ đến hiện trường.

Theo đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, lý do tiếp nhận tin báo chậm là do thời điểm ngay sau tai nạn xuất hiện thêm mưa đá và giông lốc, khiến thông tin không được truyền đi kịp thời.
Việc không được phát hiện kịp thời đã khiến những người gặp nạn trên tàu buộc phải tự cứu nhau. Nhiều hành khách bị kẹt trong khoang tàu, được người khác cố gắng đưa ra nhưng không đủ sức bơi vào bờ.
Tính đến sáng 21/7, đã có 36 người tử nạn, 3 người mất tích và 10 người được cứu sống. Lực lượng tìm kiếm vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại trên vùng biển rộng lớn, với hy vọng mong manh về sự sống sót.
Tàu đạt chuẩn nhưng thiếu hệ thống phát tín hiệu cấp cứu tự động
Theo hồ sơ kỹ thuật, Vịnh Xanh 58 là tàu du lịch đóng năm 2015, dài 24m, rộng 6m, trọng tải 12 tấn, chở được tối đa 48 người.
Tàu từng được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào tháng 1/2025 và còn hạn kiểm định đến hết năm 2026.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, khẳng định tàu đạt hệ số an toàn ổn định lên tới 2,3, cao hơn nhiều lần mức quy chuẩn quốc gia là 1.
Tàu cũng được trang bị GPS theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng khi sự cố xảy ra và tín hiệu GPS bị mất, tàu lại không thể phát cảnh báo cấp cứu tự động.
Theo TS Phạm Hà - CEO Lux Group, đơn vị vận hành chuỗi du thuyền cao cấp tại Nha Trang, Lan Hạ, khi tín hiệu định vị GPS bị ngắt, thuyền trưởng chỉ còn hai lựa chọn để phát tín hiệu cấp cứu: sử dụng bộ đàm hoặc kích hoạt nút AIS gần buồng lái.
Tuy nhiên, nếu tình huống xảy ra quá nhanh khiến thủy thủ đoàn không kịp phản ứng, sẽ không có bất kỳ tín hiệu cấp cứu nào được gửi đi một cách tự động.Đây chính là điểm yếu còn tồn tại trong thiết kế an toàn của nhiều tàu du lịch hiện nay.

Đưa ra hướng khắc phục, một chuyên gia trong ngành thông tin hàng hải đề xuất cần trang bị thiết bị chuyên dụng tương tự như EPIRB - loại đèn hiệu vô tuyến khẩn cấp phổ biến trên tàu biển.
Thiết bị này có khả năng tự động kích hoạt khi tàu chìm, phát tín hiệu định vị cứu nạn qua vệ tinh và gửi trực tiếp tới các trung tâm ứng cứu. "Nếu được trang bị, có lẽ lực lượng chức năng đã nhận được cảnh báo ngay khi tàu Vịnh Xanh lật", vị này nhận định.
Hệ thống giám sát, cấp phép: Có nhưng phản ứng chậm
Theo quy trình của tỉnh Quảng Ninh, tàu du lịch phải được cấp phép rời bến bởi Cảng vụ, đồng thời được giám sát bởi Biên phòng và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
Trước khi tàu xuất bến, các bên đều phải kiểm tra hành khách, thiết bị định vị và đảm bảo không quá tải.
Thực tế cho thấy, sau khi tín hiệu GPS của tàu mất lúc 14h05, phải đến 15h30 các cơ quan chức năng mới nắm được tình hình.
Không có thông tin nào cho thấy đơn vị quản lý phát hiện tàu mất tín hiệu hay có phản ứng ứng cứu theo quy trình. Câu hỏi về năng lực giám sát hành trình và xử lý bất thường khi GPS "biến mất" hiện vẫn chưa được trả lời chính thức.

Cảnh báo thời tiết chậm: Giông lốc đến trước cảnh báo
Theo quy định hiện hành của tỉnh Quảng Ninh, trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khu vực có nguy cơ va chạm cao, thuyền trưởng buộc phải trực tiếp điều khiển phương tiện, thợ máy có mặt tại buồng máy và thuyền viên bố trí cảnh giới tại các vị trí cần thiết trên boong tàu. Đồng thời, không được để hành khách đi lại, đứng hoặc ngồi ở hai bên mạn, mũi, lái và khu vực boong dạo.
Trường hợp thời tiết không đảm bảo an toàn, thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo cho khách và đưa tàu vào nơi tránh trú phù hợp, đồng thời báo cáo với Cảng vụ về vị trí trú ẩn và tình hình thời tiết để phối hợp khi cần thiết. Cảng vụ căn cứ vào tình hình thực tế sẽ đưa ra thông báo đến các tàu du lịch về các điểm tránh trú khi thời tiết chuyển biến xấu.
Tuy nhiên, trong tai nạn xảy ra với tàu Vịnh Xanh 58, giông lốc xuất hiện quá đột ngột và dữ dội, khiến tàu bị lật chỉ trong vài giây. Do thời gian quá ngắn, thuyền trưởng không kịp phát đi cảnh báo cho hành khách, cũng như không thể thực hiện các bước xử lý như đưa tàu vào nơi tránh trú hoặc thông báo cho Cảng vụ.
Tại cuộc họp chiều 19/7, ông Bùi Hồng Minh - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh - cho biết, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh nhiều năm qua đã ký kết hợp đồng với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, cung cấp ba bản tin cố định mỗi ngày về thời tiết tại vịnh Hạ Long.
Trong ngày xảy ra tai nạn, các bản tin lúc 6h30 và 10h đều ghi nhận thời tiết tốt, gió nhẹ cấp 2-3.Tàu Vịnh Xanh 58 rời bến lúc 12h45 hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên, đến 13h30, tức chỉ khoảng 45 phút sau khi tàu rời bến, bản tin cảnh báo về giông lốc mới được phát đi, khi tàu đã tiến sâu vào vùng nguy hiểm.

TS Phạm Hà cho rằng hiện các tàu chưa có hướng dẫn hay quy chuẩn cụ thể để ứng phó với giông lốc bất ngờ. Ông dẫn chứng tại Mỹ, các thuyền trưởng có thể chủ động theo dõi tình hình thời tiết qua các nền tảng như windy.com. Nhờ đó, người điều khiển tàu có thể nhanh chóng đưa ra quyết định, hạn chế rủi ro khi đang trên hải trình.
Ông Hà cũng đề xuất Việt Nam cần xây dựng hệ thống cảnh báo thời tiết biển theo thời gian thực, thay vì chỉ phát bản tin định kỳ 6 tiếng/lần. Hệ thống này nên tích hợp các công nghệ như radar ven bờ, phao đo sóng, vệ tinh và trí tuệ nhân tạo để mô phỏng diễn biến thời tiết và cảnh báo sớm theo từng khu vực cụ thể.
Ngoài ra, thông tin cần được truyền tải qua nhiều nền tảng, từ app điện thoại, đài VHF, cho đến màn hình hiển thị trực tiếp trên tàu, và phải đảm bảo dễ hiểu, thống nhất theo chuẩn quốc tế. Đây là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tai nạn tương tự trong tương lai.
Rà soát toàn diện sau thảm họa
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan điều tra nguyên nhân tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có), đồng thời rà soát toàn bộ quy trình an toàn hàng hải, từ thiết kế tàu, quy trình giám sát, đến cảnh báo thời tiết.